Chúng ta hàng ngày đều tham gia giao thông. Trong đó không ít người đã từng bị cảnh sát giao thông phạt. Vậy  quyền hạn của cảnh sát giao thông đến đâu? Những điều cảnh sát giao thông không được làm là gì? Sau đây Văn phòng Luật sư Đặng Ngọc sẽ giúp bạn giải đáp các vướng mắc trên.

Những điều cảnh sát giao thông không được làm | luatsudangngoc.com

Những điều cảnh sát giao thông không được làm

1. QUYỀN HẠN CỦA CẢNH SÁT GIAO THÔNG


Quyền hạn của cảnh sát giao thông được quy định tại Luật giao thông đường bộ và Thông tư 01/2016/TT-BCA. Trong đó bao gồm các quyền sau:

Thứ nhất, cảnh sát giao thông có quyền hạn được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.

Thứ hai, cảnh sát giao thông có quyền xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, CSGT có quyền hạn được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông; ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Thứ năm, cảnh sát giao thông có quyền hạn được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, cảnh sát giao thông được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.

Thứ bảy, CSGT có quyền hạn tạm thời đình chỉ người và phương tiện đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng phương tiện, đỗ phương tiện khi xảy ra ùn tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Thứ tám, cảnh sát giao thông có quyền hạn thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

2. NHỮNG ĐIỀU CẢNH SÁT GIAO THÔNG KHÔNG ĐƯỢC LÀM


Từ quy định về quyền hạn của cảnh sát giao thông ta đã nắm được vai trò, chức năng của cảnh sát giao thông. Đồng nghĩa với đó, những điều cảnh sát giao thông không được làm sẽ là những trường hợp nằm ngoài chức năng, quyền hạn của mình. Như vậy trên thực tế ta có thể những điều cảnh sát giao thông không được làm theo quy định bao gồm:

Cảnh sát giao thông không được tự ý dừng xe

Theo quy định hiện hành, cảnh sát giao thông không được tự ý dừng xe của người tham gia giao thông. Việc dừng xe chỉ được thực hiện trong 4 trường hợp quy định tại Thông tư 65/2020/TT-BCA, cụ thể như sau:

  1. Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
  2. Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
  3. Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
  4. Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Do vậy, việc tự ý dừng xe mà không thuộc các trường hợp trên là một trong những điều cảnh sát giao thông không được làm.

Cảnh sát giao thông không được rút chìa khóa của người vi phạm

Cảnh sát giao thông có quyền yêu cầu người vi phạm dừng xe. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành không quy định nào cho phép cảnh sát giao thông có quyền rút chìa khóa của người vi phạm. Do vậy, đây là hành vi không nằm trong quyền hạn chức năng của cảnh sát giao thông khi thực hiện nhiệm vụ.

Mặt khác, theo quy định cảnh sát giao thông khi tiếp xúc với Nhân dân và người có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, phải có tác phong, thái độ, văn hóa ứng xử đúng mực và phù hợp. Do vậy, việc dừng xe và rút chìa khóa của người vi phạm là hành vi không cần thiết và không đáp ứng nội dung quy định của pháp luật.

Cảnh sát giao thông không được xử phạt sai vi phạm

Việc cố tình bắt sai lỗi hay xử phạt sai vi phạm là hành vi lạm quyền và cũng là một trong những điều cảnh sát giao thông không được làm. Nhiệm vụ của cảnh sát giao thông là quản lý trật tự, xử lý vi phạm giao thông, đảm bảo an toàn giao thông. Vì thế việc xử phạt sau lỗi vi phạm được xem là đi ngược với chức năng, nhiệm vụ của mình.

Theo quy định, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Do vậy, về phía người tham gia giao thông, nếu bị dừng xe do vi phạm bạn có quyền yêu cầu nêu rõ lỗi của mình. Trong trường hợp có bằng chứng và căn cứ, người tham gia giao thông quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.

Cảnh sát giao thông không được nhận tiền của người vi phạm

Nhận tiền của người vi phạm là điều cấm kỵ và thuộc một trong những điều cảnh sát giao thông không được làm. Đây là hành vi vi phạm quy định nhà nước về quản lý hành chính.

Căn cứ theo Khoản 2, Điều 22 Nghị định 19/2020/NĐ-CP Quy định các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trong đó có hành vi: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính.” Đối với hành vi này, cảnh sát giao thông có thể phải chịu mức xử lý kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc

Cảnh sát giao thông không được truy đuổi người vi phạm

Để xử lý lỗi vi phạm, cảnh sát giao thông có quyền yêu cầu người vi phạm dừng xe. Tuy nhiên việc dừng xe cần đảm bảo các yêu cầu như: Dừng xe đúng quy định, an toàn và không cản trở đến hoạt động giao thông.

Trên thực tế đã có những vụ việc cảnh sát giao thông truy đuổi người vi phạm sau đó gây tai nạn. Việc cảnh sát giao thông truy đuổi người vi phạm là hành vi nguy hiểm và không cần thiết để xử lý vi phạm. Cảnh sát giao thông có thể dùng nhiều cách thức khác an toàn hơn cho bản thân mình và người tham gia giao thông. Tránh làm ảnh hưởng đến trật tự giao thông. Vì thế việc truy đuổi người vi phạm thuộc những điều cảnh sát giao thông không được làm.

Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc điệt, cảnh sát giao thông có quyền được truy đuổi người vi phạm như:

  1. Cảnh sát giao thông có quyền truy đuổi người có dấu hiệu tội phạm hình sự;
  2. Có quyền truy đuổi người có hành vi vi phạm pháp luật nghiệm trọng.

Mặc dù vậy, khi thực hiện truy đuổi người vi phạm, cảnh sát giao thông cũng cần đảm bảo an toàn cho bản thân và những người khác.

Đánh giá bài viết
[Số lượt: 7 Trung bình: 5]