Tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là một trong những tranh chấp thường gặp trong lĩnh vực đất đai. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do hợp đồng đặt cọc không rõ ràng, chế tài không được quy định chặt chẽ dẫn đến tạo kẽ hở cho việc vi phạm hợp đồng. Vậy khi phát sinh tranh chấp về hợp đồng đặt cọc thì giải pháp là gì? Sau đây VPLS Đặng Ngọc sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này.
1. Quy định về giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Điều 328 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, khi giao dịch không được thực hiện và các bên không có thỏa thuận, thì theo quy định bên nhận cọc sẽ phải đền cho bên đặt cọc giá trị tương đương với khoản cọc.
2. Giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại UBND
Khi có tranh chấp đối với hợp đồng chuyển nhượng đất đai, bạn có thể đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp có thẩm quyền. Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng chuyển nhượng đất đai;
- Biên bản hòa giải nội dung tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp xã;
- Biên bản làm việc với các bên tranh chấp và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan;
- Biên bản cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai đối với trường hợp hòa giải không thành;
- Biên bản hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp.
- Thông tin mảnh đất tranh chấp: Hiên trạng mảnh đất, trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính, các tài liệu chứng cứ liên quan…
3. Giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất qua con đường khởi kiện tại Tòa án
Hình thức giải quyết tranh chấp hiệu quả thường được lựa chọn là thông qua khởi kiện tại Tòa án. Để tiến hành khởi kiện đòi quyền lợi, bạn cần chuẩn bị các tài liệu sau:
- Đơn khởi kiện đối với tranh chấp hợp đồng đặt cọc;
- Thông tin nhân thân của người khởi kiện: CMND/CCCD, sổ khộ khẩu;
- Các tài liệu, chứng cứ chứng minh liên quan đến vấn đề tranh chấp.
Sau khi tiếp nhận đơn yêu cầu khởi kiện, Tòa án sẽ kiếm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ đáp ứng yêu cầu khởi kiện, bạn sẽ nhận được thông báo để tạm ứng án phí. Khi đó vụ án sẽ được thụ lý và đưa ra xét xử.